Công nghệ tránh thai bằng chip điện tử cấy dưới da
Theo một tin từ CNET, trong tương lai phụ nữ có thể tránh thai thời gian đến 16 năm chỉ bằng cách để các bác sĩ cấy một con chip điện tử dưới da của mình. Thí nghiệm này sẽ được tiến hành lâm sàng vào năm 2015.
Công nghệ tránh thai bằng chip điện tử cấy dưới da - Ảnh minh họa
Dự án được đề xuất bởi công ty MicroCHIPs (Lexington Massachusetts). Con chip cấy dưới da có kích thước rất nhỏ chỉ khoảng 20 x 20 x 7 mm và thời hạn tránh thai là 16 năm, tương đương một nửa vòng đời sinh sản của nữ giới.
Bên trong con chip là liều lượng 30ml Levonorgestrel. Đây là một loại thuốc dùng tránh thai khẩn cấp hay tránh thai dài ngày. Nếu muốn có con, người phụ nữ chỉ cần sử dụng dụng cụ điều khiển từ xa để đưa chip ra ngoài và cấy lại khi muốn tránh thai. Đây quả thật là một công nghệ của tương lai. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào khác mà người dùng muốn hoặc cần, đều có thể kết hợp và đưa vào lịch trình thực hiện được lên kế hoạch từ trước.
Công ty nghiên cứu cho biết con chip được thiết kế nhằm tương thích với bộ vi xử lý đã được lập trình sẵn. Chip sẽ truyền tín hiệu không dây hoặc phản hồi với cảm biến nhằm kiểm soát hoạt động. Thuốc chứa bên trong con chip có thể được lấy ra theo yêu cầu hoặc theo liệu trình định trước để kiểm soát chính xác sự lan truyền của thuốc. Khi được gắn vào cơ thể, chip sẽ giải phóng các nội dung chứa bên trong thông qua năng lượng từ pin và tự điều chỉnh lượng thuốc ngấm vào cơ thể.
Đây không phải là một ý tưởng mới. Việc đưa chip điện tử vào các thử nghiệm lâm sàng ở người đã từng có ở hạng mục cung cấp thuốc chống loãng xương cho phụ nữ hậu mãn kinh trong 1 tháng. Ưu điểm của công nghệ này là quá trình hoạt động, giải phóng thuốc không xảy ra phản ứng miễn dịch bất lợi, độ bền của chip cao. Quy trình tiến hành cấy chip mất khoảng 30 phút, người dùng chỉ cần được gây tê tại chỗ.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển sản phẩm và hi vọng được FDA chấp thuận cho thử nghiệm tiền lâm sàng vào năm 2015. Nếu thành công và được duyệt, chip tránh thai có thể sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2018.
Xuân Dung
(*) Vui lòng trích dẫn nguồn khi sao chép bài viết trên trang này.